Tài liệu về tổ chức chương trình
Điều kiện cần để tổ chức đạp xe xuyên Việt

Điều kiện cần để tổ chức hành trình đạp xe xuyên Việt

Ở đây mình nói về việc tổ chức cho số lượng lớn thành viên tham gia. Còn nếu đi theo nhóm nhỏ kiểu dưới 10 người thì chả cần quan tâm vấn đề này làm gì.

Pháp nhân

Đơn vị tổ chức cần là một pháp nhân đủ điều kiện tổ chức hoạt động lữ hành. Theo điều 34 luật du lịch 2017 (opens in a new tab)

Các loại pháp nhân phù hợp

Theo mình tìm hiểu thì có thể có 3 loại pháp nhân phù hợp:

  1. Câu lạc bộ
    Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (opens in a new tab)
    Câu lạc bộ sẽ là pháp nhân chuẩn nhất đối với chúng ta.
    Nhưng câu lạc bộ thì cần phải là câu lạc bộ có phạm vi hoạt động toàn quốc.
    Mà để thành lập câu lạc bộ có phạm vi hoạt động toàn quốc thì cần ít nhất 100 người nộp đơn đăng ký tham gia và nộp hồ sơ về Bộ nội vụ.
    Sơ sơ thôi cũng thấy hơi bị phức tạp. Nên chắc không phù hợp thời điểm hiện tại.
  2. Quỹ từ thiện
    Nghị định số 93/2019/NĐ-CP (opens in a new tab)
    Quỹ từ thiện có phạm vi hoạt động cả nước cần góp ít nhất 6.5 tỷ. 🤣
  3. Doanh nghiệp du lịch lữ hành
    Luật du lịch 2017 (opens in a new tab)
    Thành lập doanh nghiệp du lịch lữ hành chưa đủ. Chúng ta còn cần có Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
    Điều kiện cụ thể để được cấp giấy phép kinh doanh có trong điều 33 luật du lịch 2017. Mà về cơ bản sẽ có mấy cái quan trọng sau:
    • Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
      100 triệu nếu chỉ có khách Việt
      250 triệu nếu có khách nước ngoài
      Tức là phải nộp cứng số tiền này vào tài khoản ngân hàng và không được rút ra. Để đảm bảo cho các trường hợp bất trắc thì công ty có tiền đền bù.
    • Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ điều hành du lịch nội địa hoặc quốc tế của ngừoi phụ trách kinh doanh.

Vậy theo như trên thì thành lập doanh nghiệp du lịch lữ hành tuy có chút phức tạp và tốn kém nữa nhưng có vẻ là khả thi nhất.
Tất nhiên có thể mình tìm hiểu chưa đủ, nên nếu các bạn thấy sai ở đâu hay có thêm thông tin thì có thể đóng góp theo hướng dẫn tại đây

Thành lập doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2020 (opens in a new tab) Thành lập doanh nghiệp thì có thể phân loại như sau.

Phân loại theo loại hình doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn (gọi tắt là TNHH) và công ty cổ phần

  1. Công ty cổ phần
  • Thành viên sáng lập tối thiểu là 3 người
  • Có thể gọi vốn từ nhà đầu tư bên ngoài.
  • Hoạt động của câu lạc bộ sẽ bị chi phối nhiều từ các nhà đầu tư, và các hoạt động kinh doanh.
  • Chuyển quyền sở hữu cổ phần sẽ đánh thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng. Giá trị chuyển nhượng tối thiểu là dựa theo vốn điều lệ công ty. Ví dụ công ty vốn điều lệ 10 tỷ. Bạn muốn chuyển nhượng 10% cổ phần tương đương 1 tỷ vốn điều lệ thì bạn cần đóng thuế 1 triệu
  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn
  • Có thể là một thành viên hoặc hai thành viên trở lên (tối đa 50 người)
  • Không thể gọi vốn đầu tư. Hội đồng thành viên có toàn quyền sở hữu công ty.
  • Hội đồng thành viên có toàn quyền quyết định cách thức hoạt động của câu lạc bộ.
  • Điều chuyển quyền sở hữu công ty giữa các thành viên sẽ không bị đánh thuế.

Phân loại theo tính chất lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận

Có thể có nhiều bạn sẽ hiểu nhầm phi lợi nhuận là làm không lương. Không phải như vậy.
Phi lợi nhuận là nhân viên làm vẫn có lương như bình thường.
Nhưng tất cả lợi nhuận sẽ không trả về cho hội đồng thành viên mà sẽ đóng góp cho một mục tiêu xã hội đã đăng ký khi thành lập doanh nghiệp.
Ở đây mục tiêu của chúng ta có thể đơn giản là tổ chức các hoạt động tình nguyện trên hành trình đạp xe xuyên Việt.
(Cho ai chưa rõ thì lợi nhuận là doanh thu trừ đi tất cả các chi phí như trả lương, thuê mặt bằng, thuế...)

Đảm bảo an toàn

Theo điều 37 luật du lịch 2017 (opens in a new tab)
Mình sẽ lấy một số ý quan trọng thôi. Các bạn có thể đọc luật để rõ chi tiết.

Mua bảo hiểm du lịch

Đơn vị tổ chức cần mua bảo hiểm du lịch cho thành viên tham gia trong thời gian thực hiện chương trình.

Cần có hướng dẫn viên đi theo đoàn.

Hướng dẫn viên cần có chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch nội địa (hoặc quốc tế nếu có người nước ngoài tham gia).

Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách.

Điểm này trong luật nói khá chung chung, không biết có văn bản nào khác bổ sung không.
Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân thì khi tổ chức đạp xe xuyên Việt chúng ta cần:

1. Người có chuyên môn phụ trách vấn đề y tế.

Luật không ghi cụ thể điều kiện bằng cấp chuyên môn. Nhưng ít nhất phải có chứng chỉ gì đó, ví dụ như sơ cứu chẳng hạn. Tốt nhất là có bằng trung cấp y tế trở lên. Trong quá trình tổ chức các năm trước đã từng bị công an hỏi về vấn đề này.

2. Cần bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi theo đoàn.

Đi cá nhân thì có thể không cần, nhưng đây là một biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết, giống như khi bạn đi thuyền tại các khu du lịch thì cần mặc áo phao vậy.

3. Cần có ô tô đi kè kè theo đoàn.

Đề phòng các trường hợp một số bạn say nắng, hỏng xe cần đuổi theo đoàn... Nghiêm cấm việc kéo đẩy bằng xe máy.

4. Người chuyên phụ trách nấu ăn cho đoàn.

Do hành trình đòi hỏi cao về thể chất, nên việc đảm bảo dinh dưỡng rất quan trọng. Cần có người có kinh nghiệm nấu ăn chỉ đạo việc nấu ăn cho đoàn.


Trên đây là điều kiện cần, mình nghĩ là tối thiểu để có thể tổ chức được một chuyến đạp xe xuyên Việt đảm bảo tính pháp lý.

Một lần nữa, nếu các bạn thấy sai ở đâu hay có thêm thông tin thì có thể đóng góp theo hướng dẫn tại đây

Xin chân thành cảm ơn!